Trung tâm Khoa học công nghệ Hội An làm việc với Lãnh đạo huyện Nam Trà My tìm hướng đi cho việc nhân giống Sâm ngọc linh và một số loại dược liệu
Hiện tại, chưa có loại cây nào có giá trị kinh tế như Sâm ngọc linh, được ví là cây vàng, cây bạc nên cây sâm Ngọc Linh được nhiều người lựa chọn là cây trồng để cải thiện kinh tế. Thậm chí, tại xã Trà Linh có tới 80% số hộ gia đình trồng và đang mở rộng thêm vườn sâm của gia đình mình. Hơn nữa, cũng vì các đại gia thi nhau đổ hàng trăm triệu USD vào dự án trồng sâm Ngọc Linh đã tạo nên cơn sốt cây giống tại huyện Nam Trà My.
Quang cảnh buổi làm việc giữa UBND huyện và Trung tâm
Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My, Đồng chí Hồ Quang Bửu cho biết, với dự án đầu tư phát triển vùng trồng sâm Ngọc Linh 9 nghìn tỷ đang được triển khai, điều đáng lo nhất là nguồn cây con giống. “Huyện và tỉnh đầu tư 2 vườn sâm Ngọc Linh giống tại xã Trà Linh. Tuy nhiên, đến nay mới đáp ứng được 10% cây giống và các vườn sâm gốc của người dân đáp ứng thêm 20%. Như vậy, cây giống sâm Ngọc Linh còn thiếu khoảng 70% so với nhu cầu” – ông Bửu chia sẻ.
Đồng chí Hồ Quang Bửu Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My trao đổi những công việc cần phối hợp triển khai
Vấn đề cấp bách đối với Sâm Ngọc Linh hiện nay là phải tìm ra một hướng đi mới cho việc nhân giống. Hòa cùng với mục đích đó, Trung tâm Nghiên cứu Chuyển giao Khoa học công nghệ và Dịch vụ Hội An đã phối hợp với Viện sinh học thổ nhưỡng Viễn Đông (Viện Hàn lâm khoa học liên bang Nga), Trường Đại học Nữ sinh Ewha (Hàn Quốc), Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật, Học Viện Nông nghiệp Việt Nam, Viện Kỹ thuật nông nghiệp Duyên hải Nam Trung Bộ nghiên cứu một phương pháp hoàn toàn mới và rất có triển vọng trong việc nhân giống Sâm Ngọc Linh. Đó chính là việc kết hợp giữa công nghệ Seed chep và Vi nhân giống.
Seed chip là một loại giá thể sản xuất từ những vật liệu thân thiện với môi trường như than bùn, xơ dừa, rêu…có cấu tạo đặc hiệu cho loài bao gồm đầy đủ chất thúc đẩy sự nảy mầm và chất dinh dưỡng, độ ẩm… giúp cây con phát triển trong giai đoạn đầu tiên.
Quang cảnh buổi xét duyệt giao trực tiếp đề tài nghiên cứu nhân giống Sâm Ngọc Linh cho Trung tâm
do đồng chí Lê Trí Thanh, PCT tỉnh Quảng Nam chủ trì tháng 7 năm 2017
Công nghệ nhân giống sử dụng Seed chip được phát triển tại Hàn Quốc lần đầu tiên khá lâu, qua nhiều lần cải tiến và tối ưu, đến nay kích thước của Seed chip được thu nhỏ ở mức tối ưu (3x3cm). Với công nghệ nhân giống bằng Seed chip, tỷ lệ nảy mầm của hạt được tăng lên mức tối đa. Công nghệ đã được nhận bằng sáng chế số 10-0920999 ngày 01/10/2009 tại Hàn Quốc. Hiện nay việc nhân giống sử dụng Seed chip đã được sử dụng khá phổ biến tại Hàn Quốc, đặc biệt được áp dụng cho những loài có tỷ lệ nhân giống từ hạt không cao. Đến nay, tại Hàn Quốc, kỹ thuật nhân giống trên Seed chip ngoài việc được áp dụng cho trồng sâm thì cũng đang được áp dụng cho một số loài Phong lan và nhiều cây dược liệu có giá trị khác. Phòng thí nghiệm di truyền phân tử thực vật, trường đại học quốc gia Kyungpook và phòng thí nghiệm hệ thống học phân tử thực vật, Trường Đại học Nữ sinh Ewha (Hàn Quốc) đã có trên 15 năm kinh nghiệm trong việc thiết kế Seed chip cho nhiều loài cây dược liệu quý.
Cùng với Seed chep, Công nghệ vi nhân giống đã được Viện sinh học thổ nhưỡng Viễn Đông (Viện Hàn lâm khoa học liên bang Nga) thực hiện thành công trên cây sâm Nga. Việc sử dụng nguồn cây giống chất lượng cao tạo ra bằng công nghệ này kết hợp với công nghệ seed chip (cây tạo ra sẽ được cấy trên seed chip trước khi đem ra vườn trồng) chắc chắn sẽ mở ra một hướng mới có tính khả thi, đột phá, giải quyết được các tồn tại đã nêu trong nhân giống Sâm Ngọc Linh của Việt nam.
Thông qua buổi làm việc, Trung tâm sẽ phối hợp cùng với Trung tâm Sâm Ngọc Linh huyện và một số đơn vị trong tỉnh, thực hiện việc khai thác tiềm năng thế mạnh của vùng đất Ngọc Linh, tạo ra thủ phủ sâm và dược liệu cho miền Trung và cả nước.
Nguồn tin: VPTT
Leave a comment